Điểm tin 21/06/2023
Báo Lao động có bài: Dệt may vẫn thiếu đơn hàng trong quý II, nhiều đơn “giảm giá khủng khiếp”
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong 5 tháng đầu năm nay đạt 12,32 tỉ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số này khá khiêm tốn so với kim ngạch cả năm 2022 vừa qua khi ngành dệt may mang về lên đến 44 tỉ USD.
Phía doanh nghiệp cho biết hiện vẫn chưa hoạt động tối đa công suất và bị thiếu đơn hàng cho quý II/2023.
Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) – cho biết, doanh nghiệp chủ yếu chỉ nhận được đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún. Chưa bao giờ những doanh nghiệp có quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng 500 – 1.000 áo jacket, song vẫn phải làm. Nhiều đơn hàng có đơn giá “giảm khủng khiếp”, nhiều mã hàng giảm tới 50%.
“Tình trạng của dệt may hiện nay là đơn hàng nhỏ lẻ, chi phí gia công thấp, phải nhận các mặt hàng không đúng sở trường. Khi khó thì dệt thoi làm dệt kim, đơn vị chuyên làm quần thì phải làm áo nên phải thêm máy móc thiết bị, đào tạo công nhân để chống dừng chuyền, đảm bảo việc làm” – ông Hiếu nói.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, khó khăn với dệt may từ năm trước đến năm nay do nhiều nguyên nhân khách quan. Vì thế, “điểm rơi” này sẽ mất khoảng 3 năm, tức kéo dài sang đến năm 2024. Trong khi “điểm rơi” của những thời kỳ trước chỉ từ 12 – 14 tháng.
Báo điện tử VTVNews có bài: Không chủ quan với bệnh tay chân miệng.
https://vtv.vn/suc-khoe/khong-chu-quan-voi-benh-tay-chan-mieng-20230620193805493.htm
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, BSCKI. Nguyễn Thanh Quyền – Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: Nếu trước đây khoa có khoảng 10-12 bệnh nhi, thì hiện tại mỗi ngày khoa điều trị cho 35-40 trường hợp, trong đó chiếm nhiều ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt lứa tuổi 1-2 tuổi. Đáng lưu ý, những năm trước ít có ca nặng, nhưng năm nay số ca bệnh nặng tăng, bệnh nhi chuyển độ nặng rất nhanh, nên các y bác sĩ tại khoa phải theo dõi sát sao sức khỏe của từng trẻ để xử trí kịp thời.
ThS.BS Phạm Thị Kiều Trang, Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết: Không giống như các năm trước, năm nay số ca bệnh mắc tay chân miệng chuyển nặng nhanh, đặc biệt, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã phân lập được chủng EV71, chủng này gây nhiều biến chứng nặng. Do vậy, các bậc phụ huynh cần theo dõi, sớm nhận biết dấu hiệu bệnh để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để được chẩn đoán và điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của trẻ.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ gồm: trẻ bị nổi bóng nước ở tay chân, ở mông gối, lở miệng ăn không được, sốt cao liên tục không hạ, tự dưng nôn ói, run tay run chân, trẻ đi không vững, thở mệt, trẻ ngủ bị giật mình.
Để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, vệ sinh đồ chơi cho trẻ bằng xà phòng, dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Người chăm trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch để phòng bệnh cho trẻ và giữ vệ sinh tay cho trẻ. Phụ huynh cần tăng cường bổ sung vitamin cho trẻ, nhất là vitamin C.
Báo Vietnamnet đưa tin: Dự báo thời tiết 21/6: Miền Bắc nắng nóng cao điểm, Trung Bộ chạm ngưỡng 39 độ
Dự báo ngày 21-22/6, ở Bắc Bộ có nắng nóng, riêng khu vực đồng bằng và Hòa Bình có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất 35-38 độ, có nơi trên 38 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất 50-65%.
Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp diễn nắng nóng gay gắt với nhiệt độ 36-38 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 45-60%.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nắng nóng ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng 22/6; từ Thanh Hóa đến Phú Yên, kéo dài đến 23/6. Từ 24/6, nắng nóng khu vực này có khả năng giảm dần.
Trong những ngày nắng nóng, vào chiều tối ở Bắc Bộ và vùng núi khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện mưa giông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
P.TT&TT (TH)