1900.636.628

Điểm tin 13/07/2023

Báo Hà Nội mới có bài: Cảnh báo chiêu lừa dọa khóa sim điện thoại.

https://hanoimoi.vn/canh-bao-chieu-lua-doa-khoa-sim-dien-thoai-634940.html

Ngày 13-7, Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, xuất hiện phương thức lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh nhân viên của các nhà mạng, gọi điện thoại tới khách hàng thông báo khóa sim rồi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Công an huyện Đông Anh đang xác minh, điều tra vụ giả danh nhân viên Viettel, lừa đảo chiếm đoạt 125 triệu đồng của người dân. Theo đó, vào sáng ngày 10-6, chị N (sinh năm 1983; là công nhân trên địa bàn) có nhận được cuộc gọi của một đối tượng giới thiệu là nhân viên Viettel thông báo khóa sim do số điện thoại của chị N liên quan đến vi phạm pháp luật, rửa tiền và mua bán người. Đối tượng yêu cầu chị N hợp tác nếu không cơ quan Công an sẽ bắt giam chị. Sau đó, đối tượng yêu cầu chị N cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để kiểm tra. Khi nạn nhân phát hiện tài khoản bị mất 125 triệu đồng đã đến cơ quan Công an trình báo.

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn như trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Với các vấn đề liên quan đến sim điện thoại hoặc nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ của nhà mạng, người dân cần liên hệ đường dây nóng của nhà mạng hoặc tới các phòng giao dịch để được tư vấn giải quyết kịp thời. Tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các số lạ gọi đến. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Báo điện tử VTCNews có bài: Tác hại khi sử dụng cốc dùng 1 lần.

https://vtc.vn/tac-hai-khi-su-dung-coc-dung-1-lan-ar802433.html

Cốc nhựa dùng một lần không còn quá xa lạ với người tiêu dùng, nó được sử dụng phổ biến vì nhẹ, bền, dễ sử dụng nhưng nó cũng mang lại những tác hại khôn lường.

Do mức giá rẻ lại tiện lợi sử dụng, đa phần các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng đồ uống, siêu thị tiện ích nhỏ lẻ đều sử dụng cốc nhựa dùng một lần.

Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học Mỹ và Canada, các loại cốc nhựa dùng một lần trên toàn thế giới đều được sản xuất từ loại nhựa gọi là Polystyrene có màu trắng, nhẹ, tính dẻo. Nhờ những đặc tính trên mà Polystyrene rất được ưa chuộng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Nhưng các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng chất Polystyrene là một loại chất độc, nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng và đặc biệt là có liên quan đến bệnh ung thư.

Chất Styrene là rất dễ xâm nhập vào cơ thể và dù nhiễm độc với nồng độ nhỏ cũng có thể để lại hậu quả xấu đối với sức khỏe. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hiện lệnh cấm sản xuất cốc nhựa và sử dụng cốc nhựa làm từ chất Polystyrene được đưa ra tại Mỹ, Canada và nhiều nước trên thế giới.

Báo Tuổi trẻ có bài: Gia tăng ca viêm phổi cộng đồng do vi khuẩn Mycoplasma.

https://tuoitre.vn/gia-tang-ca-viem-phoi-cong-dong-do-vi-khuan-mycoplasma-20230712203732357.htm

Trung tâm Nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai cho hay thời gian gần đây, đơn vị liên tục tiếp nhận các bệnh nhi mắc viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae (M.pneumoniae). Có một số ca biến chứng viêm phổi nặng phải thở oxy và một số ca bị viêm phổi thùy kháng thuốc.

Theo đó, tỉ lệ mắc Mycoplasma chiếm 30 – 40% số bệnh nhân viêm phổi phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ khảo cứu tại Hoa Kỳ, ước tính có hơn 2 triệu trường hợp nhiễm Mycoplasma pneumoniae mỗi năm.

Bác sĩ Đỗ Hoàng Hải (Trung tâm Nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai) cho hay Mycoplasma pneumoniae là một trong những tác nhân gây bệnh viêm phổi cộng đồng ở trẻ em, có biểu hiện một số bệnh lý ở các cơ quan khác, ngoài phổi.

Người mắc vi khuẩn Mycoplasma có thể có biểu hiện nhẹ và có các triệu chứng không đặc hiệu, căn nguyên này có thể chiếm tới 20% các ca mắc viêm phổi cộng đồng, đặc biệt là ở trẻ em.

Viêm phổi do Mycoplasma có thể diễn biến từ từ, trẻ sốt nhẹ sau đó tiến triển thành sốt cao hơn và ho dai dẳng. Thời gian ủ bệnh có thể từ 2-3 tuần.

Khởi đầu trẻ có những triệu chứng ở đường hô hấp trên như: ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ. Sau đó bệnh có thể tiến triển hoặc gây biến chứng viêm phổi dẫn đến tình trạng sốt cao, ho kéo dài liên tục, khó thở.

Một số trẻ lớn có thể khởi phát cơn hen cấp tính hoặc có thêm các triệu chứng khác không điển hình như đau đầu, đau cơ, đau ngực…

Về con đường lây truyền, bác sĩ Hải cho hay vi khuẩn lây truyền từ người này sang người khác qua các giọt nhỏ trong không khí, điều này chỉ xảy ra khi tiếp xúc gần. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất là nên đeo khẩu trang.

Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ viêm phổi không điển hình, bác sĩ Hải khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ đi khám chuyên khoa nhi để được chẩn đoán chính xác và được điều trị thích hợp.

P.TT&TT (TH)

Thông tin liên hệ

Thông tin liên hệ