Đào tạo giới và bình đẳng giới trong quản trị nguồn nhân lực tại TCT May 10
Ảnh: Anh Tú
Thực hiện đúng với tôn chỉ “Lãnh đạo cam kết thúc đẩy bình đẳng giới”, ngày 24/11/2022, TCT May 10 đã tổ chức khóa đào tạo về bình đẳng giới cho cấp quản lý các đơn vị trong TCT. Đây là hoạt động nhằm lan tỏa kiến thức và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại nơi làm việc cho đội ngũ cán bộ quản lý, góp phần xóa bỏ định kiến và tạo môi trường làm việc bình đẳng về giới trong tương lai.
Giảng viên của khóa đào tạo là bà Đinh Thị Thu Hoài – Giám đốc điều hành Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) và ông Đỗ Tuấn Anh – Trưởng phòng Đào tạo, phụ trách triển khai các chương trình đào tạo tại doanh nghiệp giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới tại nơi làm việc, như thiên kiến vô thức về giới, văn hóa doanh nghiệp đa dạng và hòa nhập, phòng và ứng phó quấy rối tình dục tại nơi làm việc…
Trong buổi đào tạo, giảng viên đưa ra những khái niệm chuẩn về: Giới & Bình đẳng giới. Khuôn mẫu giới, định kiến giới. Tác hại của Khuôn mẫu giới, định kiến giới tại nơi làm việc. Phương pháp thúc đẩy Bình đẳng giới tại nơi làm việc.
Theo đó, bình đẳng giới thực sự là: Tất cả các “Giới” được trao quyền, nguồn lực, cơ hội và trách nhiệm như nhau. Bên cạnh đó bình đẳng giới thực sự chỉ có được khi tất cả định kiến, thành kiến và thiên kiến vô thức tại nơi làm việc được quản trị và xóa bỏ.
Có 3 cấp độ thúc đẩy bình đẳng giới, đó là: Nhận thức; Hành động (phi chính sách); Chính sách được văn bản hóa + Hành động. Trong đó yếu tố đầu tiên cần thúc đẩy là: Thay đổi nhận thức. Để có thể thay đổi nhận thức cần thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều có sự thiên vị vô thức – thích và ghét xảy ra một cách vô thức và chúng thường dựa trên các khuôn mẫu. Nhận ra rằng những sự phụ thuộc vô thức vào các định kiến này đang diễn ra – ở nơi làm việc, trên đường phố, ở nhà…v…v. Thay đổi cách tiếp cận người khác và tránh hành động theo những thành kiến trái với giá trị và niềm tin của bạn.
Bình đẳng giới không chỉ là mục tiêu số 5 trong 17 mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, mà cần được doanh nghiệp nhìn nhận là một trong những đòn bẩy cho doanh nghiệp tăng trưởng dài hạn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nữ giới tham gia thị trường lao động cao
Các chuyên gia đào tạo đã có nhiều bài tập thực hành, tổ chức trò chơi cho các nhóm, để mọi người cùng tham gia và nắm vững hơn những kiến thức được chia sẻ. Trong đó, giảng viên đặc biệt nhấn mạnh những nội dung quan trọng, đưa ra đáp án cho những câu hỏi lớn đang bỏ ngỏ trong xã hội hiện nay: Làm thế nào để xóa bỏ thiên kiến vô thức tại nơi làm việc? Làm thế nào để thúc đẩy đa dạng và hòa nhập?
Sau khóa học, các học viên đã hiểu rõ hơn về giá trị giới và những tác động của giới; hiểu được vai trò của Bình đẳng giới trong việc phát triển doanh nghiệp bền vững; Quan trọng hơn là hiểu được cách triển khai bình đẳng giới tại nơi làm việc.
Bình đẳng giới tại nơi làm việc mang lại các lợi ích cho doanh nghiệp: Cải thiện môi trường làm việc, nâng cao sự hài lòng của nhân viên. Thu hút và Phát triển nhân tài. Tăng cường đổi mới và hiệu quả làm việc nhóm. Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm/dịch vụ. Từ đó khẳng định cam kết và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Xây dựng danh tiếng, thương hiệu, thu hút nhà đầu tư, khách hàng.
Bên cạnh những chỉ số hiện có về chính sách đa đạng giới trong ban lãnh đạo, quy định không phân biệt giới tính trong quá trình tuyển dụng, lựa chọn, bổ nhiệm và thăng chức, chương trình đào tạo, kèm cặp cán bộ lãnh đạo nữ…, năm nay bộ chỉ số có nhiều tiêu chí mới liên quan đến chế độ làm việc linh hoạt, chính sách bình đẳng về thu nhập, hỗ trợ chăm sóc con cho người lao động…
TCT May 10 là một trong hơn 130 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia ký ủng hộ Nguyên tắc Trao quyền cho phụ nữ (WEPs), bởi TCT luôn hướng tới thực hiện bình đẳng giới tại DN, có lợi cho người lao động và nâng cao hình ảnh, thương hiệu của TCT. Với một ngành nghề sử dụng nhiều lao động nữ (khoảng 80% trong tổng số lao động) như ở May 10, thì việc đẩy mạnh bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một trong các hoạt động xuyên suốt chuỗi giá trị của công ty. Với triết lý: phụ nữ ở bất cứ vị trí nào luôn đóng vai trò quan trọng, là sự bổ trợ và kết hợp hoàn hảo với những điểm mạnh của nam giới, mang lại thành công cho DN cũng như toàn xã hội.
Các doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tôn trọng quyền tại doanh nghiệp của mình và rộng hơn là trong cộng đồng. Đây là yếu tố thiết yếu để tạo dựng môi trường kinh doanh hiệu quả, ổn định và bền vững.
S1959