1900.636.628

Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Ảnh: Anh Tú

Các đối tượng thường dùng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản trong thời gian gần đây như sau:

  1. Gửi tin nhắn mạo danh thương hiệu Ngân hàng để thông báo tài khoản của KH có dấu hiệu bất thường, cần ấn vào đường link trong tin nhắn để cung cấp thông tin xác thực. Thực chất đây là đường link giả mạo, lừa đảo để khách hàng tiết lộ thông tin bảo mật của dịch vụ Ngân hàng điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản.
  2. Sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, sau đó, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại
  3. Chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại bằng cách gọi điện tư vấn chuyển đổi hoặc nâng cấp SIM điện thoại sang mạng 4G miễn phí, hoặc sim sẽ bị khóa trong 2-3 ngày tới…từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
  4. Giả danh công an, tòa án gọi điện hăm dọa bị hại, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định
  5. Gọi điện cho chủ thuê bao tự nhận mình là nhân viên ngân hàng, thông báo chương trình tri ân khách hàng, đề nghị cung cấp số điện thoại đăng ký dịch vụ Internet banking và mã xác thực OTP để nhận quà tặng. Sau khi bị hại cung cấp các thông tin, đối tượng đăng nhập và chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của bị hại
  6. Gọi điện thông báo trúng giải thưởng, yêu cầu bị hại chuyển khoản trước một số tiền để làm thủ tục nhận thưởng vào số tài khoản chỉ định, nhưng sau khi bị hại chuyển tiền thì không liên lạc được với đối tượng
  7. Giả làm chủ thuê bao cũ, liên lạc với chủ thuê bao hiện tại và xin mã OTP với lý do đăng nhập tài khoản, sau đó đăng nhập vào tài khoản của bị hại để chiếm đoạt tiền.
  8. Các đối tượng chuyển một khoản tiền vào tài khoản của bị hại, sau đó liên lạc và báo là có sự nhầm lẫn, xin thông tin của chủ tài khoản để báo cáo ngân hàng kiểm tra lại, sau đó đăng nhập tài khoản và chiếm đoạt tiền trong tài khoản, hoặc dùng các thủ đoạn tinh vi, chuyển số tiền “chuyển nhầm” thành món nợ lãi suất cao và ép bị hại trả nợ.

Để phục vụ cho công tác phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao, mỗi cá nhân cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

  1. Không truy cập vào các đường link lạ. Các đường link lạ là những đường link thường sai lỗi chính tả thiếu hoặc thừa 1 ký tự, tên miền có độ tin cậy thấp, những đường link có dạng rút gọn, hoặc những đường link điều hướng người sử dụng sang 1 trang khác để lừa đảo.
  2. Thay đổi mật khẩu truy cập dịch vụ ngân hàng trực tuyến ngay lập tức sau khi phát hiện ra mình vừa kích vào các đường link nghi ngờ giả mạo hoặc vô tình trả lời thông tin cho người lạ gọi tới. Đồng thời, bảo mật và thay đổi thường xuyên mật khẩu truy cập dịch vụ Ngân hàng điện tử/Thẻ (tối thiểu 03 tháng/lần).
  3. Không lưu hoặc chia sẻ các thông tin cá nhân trên không gian mạng, hoặc cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai khác.
  4. Không cho mượn, cho thuê giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng; không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.
  5. Khi nhận được tin nhắn OTP, cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn. Nếu nội dung tin nhắn không khớp đúng với giao dịch do chính khách hàng đang thực hiện, tuyệt đối không nhập mã OTP này vào bất kỳ trang web nào hoặc tiết lộ cho bất kỳ ai dưới mọi hình thức.
  6. Thận trọng khi nhận các cuộc gọi, tin nhắn của người lạ. Mọi yêu cầu chuyển tiền, thông báo trúng thưởng, hỗ trợ nâng cấp sim điện thoại từ các cuộc gọi của cá nhân hay cơ quan chính quyền, công an, toàn án, đều là lừa đảo.
  7. Trường hợp nhận được khoản tiền lạ không rõ nguồn gốc về tài khoản, tuyệt đối không được sử dụng, mà cần liên hệ với ngân hàng để xác thực giao dịch. Khi chuyển trả lại khoản tiền, cần liên hệ với Ngân hàng để trả lại đúng tài khoản đã chuyển tiền đến, hoặc chuyển qua công an để trả lại cho người gửi.
  8. Đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ, mã OTP … cho bất kỳ ai khi chưa rõ về họ, đặc biệt không chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.
  9. Không công khai các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo; khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai và giới hạn người xem.
  10. Cảnh giác với những trang web yêu cầu đăng nhập thông tin tài khoản và mã OTP, chỉ đăng nhập trên các trang chính thống của Ngân hàng; không cung cấp mã OTP do Ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên Ngân hàng
  11. Khi phát hiện sim điện thoại bị vô hiệu hóa, cần gọi ngay cho bộ phận dịch vụ chăm sóc khách hàng của nhà mạng để yêu cầu hỗ trợ, xác minh và báo khóa sim ngay vì có thể đối tượng xấu đã sử dụng sim điện thoại vào các mục đích xấu hoặc xác nhận OTP để rút tiền.
  12. Cảnh giác với những chiêu trò nhận thưởng có yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng quà, tiền. Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại người quen, bạn bè nhờ mua thẻ điện thoại, nhờ chuyển tiền,  vay tiền,… cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin.
  13. Nên thường xuyên kiểm tra và cập nhật tính năng bảo mật đối với các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết. Không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản Ngân hàng của mình cho người khác. Hạn chế sử dụng Internet Banking tại những nơi có wifi công cộng do độ bảo mật thấp nên tài khoản dễ bị đánh cắp
  14. Không để số dư tiền nhiều trong tài khoản, nên gửi tiết kiệm để đảm bảo an toàn. Hiện tại các Ngân hàng đều có hình thức gửi tiết kiệm online nhanh chóng, thuận tiện và độ an toàn cao. Khách hàng có thể gửi tiết kiệm trực tuyến trên các ứng dụng ngân hàng điện tử của các Ngân hàng mình mở tài khoản.
  15. Lưu các số điện thoại đường dây nóng của Ngân hàng mình đang sử dụng để có thể yêu cầu Ngân hàng xử lý ngay lập tức khi tài khoản có dấu hiệu bị đánh cắp.
  16. Nếu có giao dịch gửi tiền, chuyển tiền trực tiếp tại quầy Ngân hàng, cần phải kiểm tra kỹ các giấy tờ sau khi giao dịch, đảm bảo các giấy tờ có đầy đủ chữ ký, con dấu của Ngân hàng nhằm tránh trường hợp nhân viên ngân hàng cố ý gian lận, cung cấp giấy tờ không đủ pháp lý nhằm chiếm đoạt tiền của người gửi.

Trên đây là một số cảnh báo của phòng TCKT trong việc đảm bảo an toàn tài khoản cá nhân.

S1959

Thông tin liên hệ

Thông tin liên hệ