Tìm hiểu về bệnh đột quỵ (Tai biến mạch máu não)

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 15/01/2021 05:33:00 PM - Lượt xem: 22 lượt xem.

Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Trung tâm Đột quỵ não – BV Trung ương Quân đội 108, trong vòng hai tháng trở lại đây các trung tâm này đã tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân bị đột quỵ vào điều trị. Đáng chú ý, bệnh nhân đột quỵ có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Ở Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Chúng tôi đã mời đến trường quay bác sĩ Nguyễn Thiện Nam – Trưởng Phòng Y tế Môi trường Lao động TCT May 10 để được lắng nghe những chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này.

Ảnh: Anh Tú

  1. Thưa bác sĩ, đột quỵ luôn là nỗi ám ảnh về sức khỏe với mọi nền y tế trên thế giới, ông có thể giải thích cho mọi người hiểu rõ thế nào là đột quỵ, cũng như những dấu hiệu đầu tiên của bệnh nhân đột quỵ ạ?

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) là bệnh lý tổn thương một phần não, xảy ra đột ngột do các nguyên nhân: tắc nghẽn các mạch máu trên não, gây thiếu máu đến nuôi não. Theo thống kê, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ ba (sau tim mạch và ung thư) và là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu. Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 230.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Dấu hiệu cảnh báo sớm và đặc trưng nhất của bệnh lý đột quỵ là cơn thiếu máu não thoáng qua. Bệnh nhân bất ngờ đau đầu, chóng mặt, tay chân tê bì, yếu nửa người, khó nói, khó đi lại, mặt rủ xuống một bên, miệng lệch...

Dấu hiệu thứ hai cảnh báo sớm đột quỵ là hiện tượng tăng huyết áp. Người bệnh nếu xuất hiện các tổn thương cơ quan đích như đau ngực, khó thở, đau lưng, yếu liệt chi, suy giảm ý thức, nói khó, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn thì đột quỵ đã cận kề. Đây được coi là tăng huyết áp cấp cứu, cần cấp cứu ngay trong 1-2 giờ.

  1. Thưa bác sĩ, nhiều ý kiến cho rằng thời tiết lạnh hoặc nóng đột ngột cũng là một trong những nguyên nhân, là yếu tố dẫn đến đột quỵ. Theo ông nhận định này có đúng không ạ?

Thời tiết lạnh cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới đột quỵ. Nếu không làm ấm cơ thể đúng cách, thay đổi môi trường và nhiệt độ đột ngột có thể làm co mạch máu và dẫn đến các hiện tượng méo miệng, liệt mặt, các yếu tố nguy cơ cao dẫn tới đột quỵ…

  1. Bác sĩ có thể phân tích cụ thể hơn về các nguyên nhân gây nên đột quỵ ở những người trẻ tuổi ạ?

Nguyên nhân hàng đầu gây nên đột quỵ não ở người trẻ tuổi là bệnh lý dị dạng mạch máu não. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ hoặc tắc mạch máu gia tăng.

Bên cạnh đó phải kể đến một số nguyên nhân khác như: thói quen hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, bệnh béo phì và lười vận động, đái tháo đường và tăng huyết áp, uống rượu bia…

Đột quỵ ở người trẻ tuổi có thể được đẩy lùi nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh. Cụ thể, người trẻ cần tích cực vận động thể dục thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nói không với thuốc lá, hạn chế bia rượu…

  1. Bác sĩ có thể chia sẻ một số biện pháp phòng tránh bệnh đột quỵ cho mọi người ạ?

- Thường xuyên kiểm soát và điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ như tiểu đường, tim mạch, mỡ máu, cao huyết áp…

- Có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học với các thực phẩm có lợi, tăng cường rau xanh.

- Cân bằng cuộc sống, giảm bớt stress, nóng giận. Nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, không nên tắm đêm, thức quá khuya. Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, nhất là trong thời điểm giao mùa.

- Tập thể dục hằng ngày giúp tăng cường sức khỏe mà còn giúp giảm huyết áp và phòng ngừa đột quỵ. Lưu ý, không nên lựa chọn các bài tập nặng, vận động mạnh, có thể lựa chọn đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng hoặc tập dưỡng sinh, yoga.

- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng, 1 năm/1 lần để tầm soát bệnh kịp thời.

  1. Xin bác sĩ cho biết cách xử trí người nghi ngờ bị đột quỵ trong khi chờ cấp cứu, để tận dụng được “thời gian vàng” cứu sống bệnh nhân?

Khi phát hiện một người nghi ngờ bị đột quỵ:

- Gọi người xung quanh đến hỗ trợ.

- Đặt bệnh nhân nằm xuống giường hoặc nền cứng, nới bỏ quần áo, các vật có thể gây chèn ép vùng cổ tránh ảnh hưởng đến hô hấp

- Tư thế đặt bệnh nhân đầu cao, khoảng 20-30 độ so với mặt phẳng, nên quay đầu bệnh nhân sang một bên. Tránh tình trạng để nằm ngửa khi bệnh nhân nôn ra sẽ hít phải toàn bộ chất nôn, chất tiết vào đường hô hấp gây nguy hiểm tính mạng. Nếu được chúng ta nên tháo hết răng giả, vật trong miệng, dùng khăn lau sạch chất tiết ở mũi, miệng bệnh nhân tránh làm tắc nghẽn đường thở của người bệnh.

- Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống ngậm bất kỳ thuốc gì. 

- Nhanh chóng gọi cấp cứu, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất và có khả năng điều trị chuyên sâu về đột quỵ. 

- Không nên áp dụng các phương pháp truyền miệng, dân gian hoặc sử dụng các loại thuốc không rõ tác dụng, những việc này sẽ làm chậm trễ thời gian vàng cho điều trị.

3 giờ đầu tiên sau đột quỵ được xem là “thời gian vàng” do lúc này các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện, khả năng hồi phục rất cao. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi. Do vậy khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Những người trẻ tuổi không nên chủ quan cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà bỏ qua việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế khi có biểu hiện của bệnh lý đột quỵ. Khi đến viện muộn, họ đã làm mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Hồng Hạnh

 

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn