Phòng chống say nắng, say nóng mùa hè

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 24/06/2020 03:53:00 PM - Lượt xem: 57 lượt xem.

Say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm với nền nhiệt độ cao. Không chỉ có biểu hiện: mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu,... say nắng, sốc nhiệt còn có thể gây đột quỵ, nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và tử vong.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thiện Nam – Trưởng Phòng khám đa khoa May 10 về vấn đề này.

  1. Thưa bác sĩ Nguyễn Thiện Nam, ông có thể cho biết những người nào dễ mắc phải say nắng, say nóng trong điều kiện thời tiết oi bức, nắng nóng kéo dài?

Nước ta trong thời gian vừa qua phải chịu những hiện tượng thời tiết hết sức cực đoan, nhiệt độ cao kéo dài trong nhiều ngày gây ra những bệnh liên quan đến nhiệt. Người già, trẻ em, phụ nữ có thai và những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, ung thư… Những người làm việc lâu dưới ánh nắng, cơ thể sản sinh ra nhiệt lớn là những đối tượng dễ mắc say nắng, say nóng, sốc nhiệt.

  1. Bác sĩ có thể cho biết cụ thể hơn về những biểu hiện của say nắng, say nóng?

Những dấu hiệu, triệu chứng đầu tiên là mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, vật vã, nhịp tim nhanh, thân nhiệt tăng cao trên 40 độ, da khô, môi nứt nẻ, khát nước, mồ hôi đầm đìa hoặc không ra mồ hôi (nếu ở giai đoạn muộn). Có những biến chứng nặng vào cơ quan thần kinh trung ương, bệnh nhân khó thở, suy hô hấp, hoặc tổn thương tim mạch gây rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, co giật, hôn mê và có thể dẫn đến tử vong.

  1. Cách xử trí, sơ cứu khi có người say nắng say nóng?

Cần sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Đưa nạn nhân vào nơi thoáng mát, (phòng có điều hòa hoặc nơi bóng râm), chườm mát vào những vùng cổ, hõm nách, nếp bẹn, hoặc có thể dùng khăn ngâm vào nước mát rồi phủ quanh người nạn nhân để tăng cường trao đổi nhiệt. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo thì cho uống nước mát, tốt nhất là uống Oresol. Nếu nạn nhân biểu hiện nặng phải ngay lập tức gọi cấp cứu đồng thời vẫn chú ý hạ nhiệt cơ thể nạn nhân trên đường vận chuyển cấp cứu.

  1. Thưa bác sĩ, trong ba hiện tượng say nóng, say nắng và sốc nhiệt thì đâu là mức độ nghiêm trọng nhất?

Sốc nhiệt là tình trạng nặng nhất, là hệ quả của say nóng, say nắng. Say nắng thì nguy hiểm hơn say nóng. Bởi vì ngoài việc mất nước, mất điện giải dẫn đến tình trạng rối loạn các cơ quan chức năng thì say nắng còn bị ảnh hưởng trực tiếp từ tia hồng ngoại, tác động đến trung khu thần kinh, vùng hành não điều khiển chức năng sống, có thể gây ngừng tim ngừng thở. Say nắng say nóng nếu không điều trị kịp thời, không có phương pháp bù nước và nghỉ ngơi thì dẫn đến sốc nhiệt.

  1. Xin bác sĩ cho lời khuyên để mọi người có thể phòng tránh say nắng say nóng hiệu quả?

Mọi người cần chú ý trang bị bảo hộ chống nắng, đặc biệt với những người hay làm việc ngoài trời. Hiện nay trên thị trường có quần áo chống nắng của cả nam và nữ rất hiệu quả, ngoài chống nắng còn có khả năng chống tia UV. Dùng mũ rộng vành hoặc khăn để che đầu và vùng gáy. Dùng kính râm để tránh ánh nắng làm tổn thương giác mạc… Cần bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý và tìm cách bù nước đầy đủ cho cơ thể. Đặc biệt, không được uống rượu bia, vì rượu bia có thể gây rút nước tế bào, làm tăng khả năng say nắng, say nóng. Ngoài ra cần chú ý ăn uống đủ chất, bổ sung các loại rau xanh, trái cây… Tập thể dục để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân.

Hồng Hạnh

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn