Điểm tin ngày 13/07/2020

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 13/07/2020 11:53:00 AM - Lượt xem: 17 lượt xem.

Xin mời anh chị em và các bạn đến với một số thông tin đáng chú ý ngày hôm nay.

Ảnh: Anh Tú

Báo Dân trí đưa tin: "Sóng thần" Covid-19 trở lại, số ca nhiễm toàn cầu tăng mạnh chưa từng có.

https://dantri.com.vn/the-gioi/song-than-covid-19-tro-lai-so-ca-nhiem-toan-cau-tang-manh-chua-tung-co-20200713062133262.htm

Hiện thế giới đã có khoảng 13 triệu người mắc Covid-19 và điều đáng lo ngại là Covid-19 đang tái bùng phát mạnh hơn ở nhiều quốc gia.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ngày 12/7 rằng, trong vòng 24 giờ, thế giới đã ghi nhận thêm gần 230.400 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 toàn cầu lên khoảng 13 triệu ca. Đây là ngày có số người mắc Covid-19 tăng mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát cuối năm ngoái, trong khi đó, số người tử vong duy trì ở mức khoảng 5.000 ca/ngày. Đến nay đại dịch này đã lấy đi sinh mạng của hơn 570.000 người trên thế giới, theo số liệu của Worldometers.

Mỹ tiếp tục là quốc gia có tốc độ lây lan Covid-19 nhanh nhất thế giới.

Tại châu Á, Covid-19 đang bùng phát mạnh tại Ấn Độ, tâm dịch lớn thứ 3 thế giới.

Các nước Đông Âu cũng đang chứng kiến sự trở lại của Covid-19 buộc các nước này phải ban hành các biện pháp hạn chế mới như yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng hay hạn chế du lịch, siết chặt chính sách cách ly bắt buộc.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tăng tốc trở lại, các nước trên thế giới chạy đua với thời gian để tìm ra vắc xin phòng ngừa đại dịch nguy hiểm này. Theo WHO, khoảng 21 vắc xin Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng trên thế giới.

Báo Người lao độngcó bài: Hàng loạt đơn hàng bị huỷ, doanh nghiệp dệt may gặp khó trong dịch Covid-19.

https://nld.com.vn/kinh-te/hang-loat-don-hang-bi-huy-doanh-nghiep-det-may-gap-kho-trong-dich-covid-19-20200712090222213.htm

Theo Bộ Công thương do ảnh hưởng của dịch Covid, trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may trong dịch bệnh Covid-19 gặp nhiều khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước tính, ngành dệt may có thể mất tới 50% đơn đặt hàng trong tháng 5. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%.

Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Bộ Công Thương cho biết các doanh nghiệp dệt may đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh như khẩu trang, đồ bảo hộ.

Bộ Công Thương nhận định, đến cuối quý II/2020, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây. Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ, tết, Giáng sinh tăng cao.

Báo Hà Nội mới đưa tin: Gia tăng trẻ mắc viêm não và tay chân miệng do nắng nóng.

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/972600/gia-tang-tre-mac-viem-nao-va-tay-chan-mieng-do-nang-nong

Tuần qua (từ ngày 5 đến 12-7), nắng nóng gay gắt tiếp tục xuất hiện khiến số lượng trẻ em nhập viện do mắc các bệnh truyền nhiễm, như viêm não và tay chân miệng gia tăng.

Cụ thể, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) đang điều trị cho 55 ca viêm não. Đa phần các ca viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản đều không tuân thủ tiêm phòng theo đúng quy định. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới khuyến cáo, từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não. Do đó, trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.

Ngoài ra, trong một tuần trở lại đây, số ca mắc tay chân miệng nhập viện cũng tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới tiếp nhận từ 15 đến 20 ca tay chân miệng. Hiện nay, tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, điều quan trọng để phòng bệnh là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; vệ sinh nhà cửa, các vật dụng hằng ngày; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi; không cho trẻ dùng chung đồ dùng cá nhân... Hạn chế hoặc không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

S1959 (Tổng hợp)

 

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn