Vì sao người Nhật luôn đúng giờ một cách tuyệt đối?

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 18/03/2019 05:32:00 PM - Lượt xem: 32 lượt xem.

Ở một đất nước mà chuyện muộn vài giây có thể tạo scandal, áp lực phải đúng giờ quá khắc nghiệt với nhiều người.

Tháng trước, Bộ trưởng An ninh mạng và Thế vận hội Nhật Bản Yoshitaka Sakurada đã buộc phải xin lỗi sau khi công chúng phẫn nộ và phe đối lập biểu tình vì ông đến họp muộn 3 phút.

Không chỉ liên quan tới các quan chức, với các doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan, đến đúng giờ là điều tối quan trọng tại Nhật. 

Năm 2018, một chuyến tàu lửa đến sớm 25 giây đã bị chỉ trích gay gắt và đưa tin khắp Nhật Bản. Đây bị coi là một lỗi lớn của công ty đường sắt. "Sự bất tiện lớn chúng tôi đã gây ra cho khách hàng là không thể tha thứ", đại diện công ty xin lỗi.

Từ nhỏ, người Nhật đã được dạy cần đúng giờ. "Bố mẹ luôn nói với tôi về tầm quan trọng của việc đúng giờ, và nghĩ tới việc những người khác sẽ bị phiền thế nào nếu tôi đến muộn, dù chỉ một chút. Tôi đã thấm nhuần điều đó", Issei Izawa, một sinh viên 19 tuổi cho biết.

Bộ trường an ninh mạng Nhật Bản Yoshitaka Sakurada buộc phải xin lỗi công khai sau khi đến họp muộn 3 phút. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng An ninh mạng Nhật Bản Yoshitaka Sakurada xin lỗi công khai sau khi đến họp muộn 3 phút. Ảnh: Reuters.

Chị Kanako Hosomura, một phụ nữ nội trợ 35 tuổi, sống tại tỉnh Saitama cho biết, chị rất ghét muộn giờ. "Tôi thích đến sớm hơn vì thà mình đợi người khác chứ không để ai phải chờ mình", Hosomuara nói và kể thêm là chị sẽ không làm bạn với những ai đến muộn và gây phiền cho mọi người. 

Nhưng với nhiều người, văn hóa quá coi trọng việc đúng giờ có thể gây căng thẳng. "Bạn gái tôi làm việc tại một trung tâm trực điện thoại của công ty đường sắt. Tuần trước, khi cô ấy đi ăn trưa về, người quản lý bảo: 'Cô muộn 10 giây đấy'", một người đàn ông giấu tên kể. Anh cho biết, bạn gái mình còn bị cảnh cáo về lần muộn giờ đó. "Như vậy là quá khắc nghiệt", anh nói. 

Nỗi ám ảnh của Nhật Bản với việc đúng giờ thường được các du khách xem như một điều ngạc nhiên kỳ thú. Nhưng, thực sự, sự chậm trễ ở nơi làm việc có ảnh hưởng tới nền kinh tế. 

Ở Anh, các công nhân đi muộn gây tốn kém tới 9 triệu bảng, theo một báo cáo năm 2017. Hơn một nửa số người được khảo sát nói rằng họ thường xuyên đi làm, đến họp muộn.

Tại Mỹ, chậm trễ cũng là một vấn đề lớn. Theo một báo cáo của Inc, tại New York, những người lao động muộn giờ đã gây tổn thất 700 triệu USD một năm. Còn tại California, nhân công đi làm muộn gây tốn kém hơn một tỷ USD mỗi năm.

Nhưng Nhật Bản không phải là nước luôn đúng giờ, cho tới cuối những năm 1800. Trước thời công nghiệp hóa, Nhật Bản khá thoải mái với chuyện giờ giấc. "Người dân có vẻ đủng đỉnh và tàu lửa có khi chậm 20 phút", Willem Huyssen van Kattendijke, một sĩ quan người Hà Lan đến Nhật Bản vào những năm 1850, viết trong nhật ký.

Theo một bài nghiên cứu của Đại học Duke, trong thời canh tân Minh Trị (1868-1912), Nhật đã áp dụng các biện pháp cải cách toàn diện, đưa đất nước phát triển. Đây được xem là chìa khóa mở cánh cửa tiến bộ của đất nước từ nông nghiệp sang xã hội công nghiệp hiện đại. 

Trường học, nhà máy, đường sắt - những nơi tuân thủ nghiêm ngặt việc đúng giờ - là các tổ chức chính dẫn đầu sự thay đổi của xã hội Nhật. Các nhà máy đã áp dụng phương pháp quản lý theo khoa học nhằm nâng cao năng suất lao động.

Quanh thời điểm này, đồng hồ trở thành vật dụng phổ biến và khái niệm một ngày 24 giờ trở nên quen thuộc với người dân. Hơn hết, theo nhà nghiên cứu Ichoro Oda, đây là lúc người Nhật nhận ra "thời gian là tiền bạc".

Ở Nhật, đi làm muộn, bạn sẽ bị mang tiếng xấu khắp công ty. Ảnh: Japan Info.

Ở Nhật, đi làm muộn, bạn sẽ bị mang tiếng xấu khắp công ty. Ảnh: Japan Info.

Theo SCMP, đến những năm 1920, việc đúng giờ được đưa vào chính sách tuyên truyền của đất nước. Các tờ tranh hướng dẫn những mẹo như cách tạo kiểu tóc trong 5 phút cho phụ nữ, có ở nhiều nơi.

Makoto Watanabe, phó giáo sư khoa truyền thông đại chúng Đại học Hokkaido Bunkyo, cho biết, kể từ đó, việc đúng giờ liên quan mật thiết tới năng suất trong các công ty và tổ chức. "Nếu công nhân đi muộn, công ty và phòng, ban sẽ phải chịu hậu quả", ông nói. "Về cá nhân, nếu không đúng giờ nghĩa là anh không thể hoàn thành những việc cần làm".

Việc nhân viên tuân thủ kỷ luật và đúng giờ rất quan trọng với công ty, theo Mieko Nakabayashi, giảng viên khoa học xã hội tại Đại học Waseda. "Nếu không làm được việc này, bạn sẽ rất nhanh bị mang tiếng xấu ở công ty", bà nói. 

Tuy nhiên, bà giải thích, đúng giờ không phải lúc nào cũng đi liền với hiệu quả. 

Năm 1990, thảm kịch xảy ra tại tỉnh Hyogo khi một học sinh 15 tuổi bị cổng trường kẹp chết vì cô bé cố len vào lúc cổng đóng đúng 8 giờ 30 phút. Người bấm nút đóng cửa đã bị đuổi việc và vụ việc dấy lên cuộc tranh luận gay gắt.

"Ngày đó, việc đóng cửa trường đúng giờ hay phạt học sinh đến muộn chạy 400-800 m là rất phổ biến", Yukio Kodata, 33 tuổi, một người Canada gốc Nhật nhớ lại. Anh cho biết, việc bị ghi đi học muộn trong học bạ có thể còn ảnh hưởng tới cơ hội vào đại học.

Ngoài ra, việc đúng giờ cũng không bù lại được cho sự kém hiệu quả tại một số công ty và tổ chức ở Nhật. "Những cuộc họp diễn ra quá lâu, hầu hết mọi người đều không thực sự góp ý kiến, các khâu lặp đi lặp lại. Ngồi vào bàn làm việc lúc 9 giờ sáng cũng chẳng tạo được sự khác biệt thực sự nếu nhìn ở toàn cảnh", giáo sư khoa học xã hội Mieko nói. Bà còn nhấn mạnh thực tế rằng hầu hết các công ty Nhật yêu cầu nhân viên làm việc ngoài giờ hơn 80 tiếng mỗi tháng và không trả thù lao, theo một báo cáo năm 2016.

Cuối cùng, việc quá coi trọng đúng giờ và thiếu giới hạn cho việc làm quá thời gian gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, theo anh Yukio. 

"Tại Nhật, tất cả mọi người đinh ninh rằng nếu người khác đang làm gì, thì họ cũng phải làm theo. Bạn sẽ bị bế tắc", anh nói. "Rất nhiều bạn tôi, những người từ Nhật sang Canada, đều không bao giờ muốn quay về nước. Họ thích Nhật Bản vì ẩm thực và giải trí nhưng không muốn quay về đó làm việc".

"Thật vui khi ở Canada, bạn rời cơ quan lúc 5h và chào tạm biệt đồng nghiệp, nhưng ở Nhật Bản không thế", anh Yukio kể. 

(Theo Bảo Ngọc/vnexpress)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn