Những loại thuốc nên có trong nhà mùa dịch

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 26/03/2020 04:54:00 PM - Lượt xem: 47 lượt xem.

Theo TS.DS Phạm Đức Hùng, bất cứ loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Zing.vn xin đăng tải bài viết của TS.DS Phạm Đức Hùng (từng thực tập ở Đại học Harvard, Mỹ; tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ; hiện làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, Mỹ) và DS. Phạm Phương Hạnh, hành nghề (Rph) tại Toronto, Ontario, Canada về những loại thuốc nên và không nên tích trữ trong mùa dịch Covid-19.

Đến nay, chưa có bất cứ thuốc hay vắc xin trị Covid-19 nào được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận. Các thuốc dưới đây chỉ nhằm điều trị triệu chứng khi bệnh nhân được hướng dẫn cách ly tại nhà. Bài viết đưa thông tin, không nhằm kê đơn. Ngoài ra, bất cứ loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Những loại nên có trong tủ thuốc gia đình

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mọi người có thể trữ các thuốc không cần kê đơn ở nhà. Đây cũng là những thuốc nên trong tủ thuốc gia đình (tránh xa tầm tay trẻ em), có thể giúp hỗ trợ trị triệu chứng của Covid-19 như sốt, đau người, nghẹt mũi,...

Thuốc giảm đau, hạ sốt Paracetamol và Ibuprofen

Paracetamol là một thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường và hiệu quả, an toàn nếu dùng như hướng dẫn. Mỗi viên paracetamol có 325 mg hay 500 mg thuốc. Người dân cần biết mình đang dùng loại có hàm lượng nào. Ngoài ra, thuốc này còn có dạng tọa dược (nhét hậu môn) và dạng lỏng dùng cho trẻ em hay người lớn có vấn đề khó nuốt. Sử dụng theo liều trên nhãn hoặc theo hướng dẫn của nhân viên y tế với khoảng cách giữa các liều là khoảng 4-6 tiếng.

Dù được xem là một thuốc khá an toàn, paracetamol vẫn có nguy cơ cao gây độc gan cấp tính nếu quá liều. Một người lớn trưởng thành, không có bệnh lý về gan, tổng liều dùng tối đa mỗi ngày không quá 4.000 mg/ngày. Đối với trẻ em, người bị bệnh gan nên hỏi bác sĩ, dược sĩ về liều dùng.Các chế phẩm không kê toa trị cảm, ho, viêm xoang thông thường hay các thuốc kê toa giúp giảm đau có thể chứa paracetamol nên cần được tính toán vào tổng lượng paracetamol nếu bạn đang uống mỗi ngày.

Nhung loai thuoc nen co trong nha mua dich hinh anh 1 491248483.jpg

Dù được xem là một thuốc khá an toàn, paracetamol vẫn có nguy cơ cao gây độc gan cấp tính nếu quá liều. Ảnh: Plusmagazine.

Hiện nay, chưa có bằng chứng thuyết phục việc sử dụng Ibuprofen gây hại trong trường hợp bệnh Covid-19. Một số trường hợp như đau bụng kinh, đau nửa đầu, viêm khớp, sử dụng Ibuprofen cho hiệu quả tốt hơn Paracetamol. Thuốc này cũng có thể được trữ, với những lưu ý về cách dùng như uống với đồ ăn để hạn chế nguy cơ khó chịu bao tử; dùng với liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất.

Với Ibuprofen không kê toa, tùy theo hàm lượng 200 mg, 400 mg hay 600 mg mà khoảng cách liều sẽ khác biệt. Loại 200 mg và 400 mg sẽ dùng mỗi 6-8 giờ, 600 mg dùng mỗi 12 giờ. Với Ibuprofen kê bởi bác sĩ, bạn cần theo chỉ dẫn cụ thể.

Thuốc trị tiêu chảy như Smecta, Imodium

Giảm đau bụng và tiêu chảy liên quan tới virus đường ruột. Bạn chỉ dùng nếu chỉ bị tiêu chảy trong thời gian ngắn và không có các dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng dữ dội, sốt, đại tiện ra máu, chất nhầy hay đi hơn 6 lần/ngày. Nếu đại tiện hơn 3 ngày hay có các dấu hiệu nghiêm trọng kể trên, bạn cần đi khám. Lưu ý, bạn cần bù nước và chất điện giải bằng Oresol khi bị tiêu chảy, nhất là trẻ em, người lớn tuổi.

Thuốc trị dị ứng dạng uống hoặc xịt mũi

Loại uống cho trẻ em thường là dạng lỏng, cần đong theo cân nặng và chỉ dùng nếu cần. Với người lớn, có loại gây buồn ngủ và không gây buồn ngủ, bạn cần lựa chọn đúng để phù hợp với sinh hoạt hàng ngày. Người lớn tuổi có thể bị chóng mặt, gà gật nếu dùng thuốc dị ứng gây buồn ngủ. Từ đó dễ bị té ngã, bạn nên chọn loại không buồn ngủ và chỉ dùng nếu cần.

Thuốc trị ho dạng siro có dextromethorphan

Bạn nên dùng thuốc trị ho này khi liên quan tới cảm cúm, không sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi.

Thuốc giảm axit dạ dày như Phosphalugel

Bạn dùng thuốc này như hướng dẫn. Nếu phải sử dụng nhiều lần trong ngày và nhiều ngày trong tuần để kiểm soát triệu chứng, đó là dấu hiệu cần khám. Lạm dụng Phosphalugel hay các thuốc giảm axit có thể khiến tình trạng dư axit bùng lên khi ngưng thuốc, khiến đau dạ dày nhiều hơn.

Các dụng cụ hỗ trợ

Bạn nên có nhiệt kế, túi chườm nóng, nước rửa tay khô có cồn, xà bông. Máy đo huyết áp hay đo đường huyết nếu cần.

Các thuốc kê đơn

Với những người có bệnh mạn tính, đặc biệt là người lớn tuổi không thể ra khỏi nhà có thể hỏi bác sĩ tư vấn và cho các loại thuốc kê đơn trong một thời gian dài hơn bình thường.

Đối với người khoẻ mạnh, bình thường, nguyên tắc chung là không trữ hay tự ý dùng thuốc kê đơn. Thuốc cần kê đơn của bác sĩ không phải là "kẹo".

Các thuốc không được tự ý mua để phòng dịch Covid-19

Các thuốc đang được nghiên cứu trị Covid-19

Hiện nay, chưa có bất cứ thuốc nào trị được Covid-19 và có sự chấp thuận bởi các cơ quan chức năng. Người dân tự ý dùng có thể bị nhiều tác dụng phụ nguy hiểm tính mạng.

Hydroxychloroquine: Độc tính trên võng mạc, hệ tạo máu, thính lực, trương lực cơ và cơ tim, đặc biệt nguy hiểm với các bệnh nhân suy gan, suy thận.

Lopinavir/ritonavir: Thuốc này có thể gây vấn đề về thần kinh, nhức đầu nặng, tăng tiểu tiện.

Remdesivir: Thuốc còn đang phát triển trị Ebola và Covid-19. Dữ kiện về an toàn và độc tính của thuốc còn là ẩn số.

Nhung loai thuoc nen co trong nha mua dich hinh anh 2 GettyImages_1203453080_1.jpg

Hydroxychloroquine, trong các nghiên cứu bước đầu cho thấy, có thể làm chậm sự phát triển của virus SARS-CoV-2 trong tế bào ký chủ. Ảnh: Techcrunch.

Không có kháng sinh nào tiêu diệt được SARS-CoV-2

Việc sử dụng kháng sinh nói chung (Ampicillin, Azithromycin, Ciprofloxacin) sẽ gây nhiều tác dụng phụ từ đơn giản như nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, dị ứng đến nghiêm trọng như:

Sốc phản vệ (một tình trạng cấp cứu): Triệu chứng thường gặp trong sốc phản vệ là hạ huyết áp, co thắt đường thở, nhịp nhanh và yếu, nôn mửa, chóng mặt và ngất xỉu. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

Đề kháng kháng sinh: Sử dụng kháng sinh không diệt được virus, tuy nhiên sẽ làm cho các vi khuẩn bị lờn thuốc, dẫn đến đề kháng kháng sinh. Số loại kháng sinh để diệt khuẩn không nhiều. Nếu các vi khuẩn kháng thuốc mạnh sẽ tạo ra siêu vi trùng (superbug) là mối đe dọa cho nhân loại.

Hiện tại, phương pháp điều trị cơ bản của Covid-19 là điều trị hỗ trợ, có nghĩa giúp giảm đau, hạ sốt, bù nước... Các bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân hô hấp bằng máy móc y khoa chuyên dụng và chờ hệ kháng thể có thời gian để thích ứng và diệt virus. Trường hợp Covid-19 quá đặc biệt, có các triệu chứng rất nặng, bác sĩ có thể kê cho họ một số thuốc như hydroxychloroquine, remdesivir, lopinavir/ritonavir,… nhưng chỉ sử dụng tại bệnh viện, trong tình trạng đe dọa tính mạng và có sự đồng ý của bệnh nhân. Vì vậy, người dân nên nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ lâm sàng, không tự ý dùng thuốc.

(Theo Zing)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn