Không cần quá lo lắng với bệnh bạch hầu

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 27/06/2020 09:37:00 AM - Lượt xem: 45 lượt xem.

Thông tin về việc xuất hiện bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tại thành phố Hồ Chí Minh và 16 người có tiếp xúc đã phải cách ly làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng, trong bối cảnh bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại Đắk Nông. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định, có thể khống chế hiệu quả căn bệnh này.

Bệnh viện Quân đội 175 đang điều trị bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tại thành phố Hồ Chí Minh.

Người dân không cần quá lo lắng

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định, thời điểm này, người dân thành phố không cần quá lo lắng với căn bệnh bạch hầu, khi thành phố có bệnh nhân đầu tiên trong năm 2020.

Bệnh nhân này là nam quân nhân, 20 tuổi, mắc bệnh trong môi trường quân đội, chứ không phải xảy ra ở cộng đồng. 9 ngày trước, bệnh nhân nhập Bệnh viện Quân y 175 với triệu chứng sốt, đau họng, sưng to vùng hàm và có hạch cổ.

Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm bệnh phẩm, xác định bệnh nhân dương tính với bệnh bạch hầu. 16 người từng tiếp xúc bệnh nhân đã được cách ly theo dõi. Nơi ở của bệnh nhân được khoanh vùng, khử khuẩn đúng quy định.

“Bệnh bạch hầu là bệnh lây qua đường hô hấp, người lớn, trẻ nhỏ đều có thể mắc, nếu cơ thể yếu, nhưng có thể điều trị dứt điểm bằng kháng sinh, nếu phát hiện sớm. Với trẻ nhỏ, chỉ cần tiêm chủng vắc xin đầy đủ theo quy định thì chắc chắn không bị mắc bệnh bạch hầu”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng khẳng định.

Chị Hoàng Thu Trang, 27 tuổi, ngụ tại phường 4, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bản thân và gia đình không quá lo lắng về thông tin ca bệnh bạch hầu tại thành phố.

“Lâu nay, các gia đình có con nhỏ đều được bác sĩ nhắc nhở việc tiêm chủng phòng bệnh. Với bệnh bạch hầu, tôi đã cho con tôi tiêm đủ 4 mũi, từ khi cháu 2 tháng tuổi đến khi 18 tháng tuổi, nên rất yên tâm”, chị Trang cho biết.

Nhân viên y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông kiểm tra dịch tễ phòng bạch hầu tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô. Ảnh Ngô Đồng

Các tài liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm.

Đắk Nông bước đầu khống chế các ổ bệnh

Số liệu do Sở Y tế tỉnh Đắk Nông công bố cho thấy, trong tháng 6-2020, tỉnh ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, gồm 4 trường hợp ở xã Đắk Sor, huyện Krông Nô; 8 trường hợp tại hai xã Quảng Hòa và Đắk R'măng, huyện Đắk Glong (1 trường hợp tử vong tại xã Quảng Hòa).

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, đây là những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp (khoảng 48-52%). Các trường hợp mắc đều chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã xử lý ngay các ổ bệnh này. Đến nay, tình hình đã ổn định.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông Hà Văn Hùng cho biết, từ khi phát hiện ca nhiễm bạch hầu đầu tiên hôm 8-6, đến nay, ngành Y tế tỉnh đã khoanh vùng các ổ bệnh, khử trùng môi trường sống của cư dân.

“Những người nghi mắc bệnh đã được đưa vào các cơ sở y tế để theo dõi, chữa trị. Ngành Y tế đã cấp dự phòng 20.000 viên thuốc kháng sinh cho hơn 1.000 người ở khu vực xung quanh. Các lực lượng y tế từ Bộ Y tế, vùng Tây Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh đã đến trợ giúp địa phương khống chế bệnh này”, ông Hà Văn Hùng cho biết thêm.

Người dân tỉnh Đắk Nông chủ động đi tiêm phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: Ngô Đồng

Theo ông Hà Văn Hùng, nguyên nhân chính khiến bệnh bạch hầu quay trở lại trên địa bàn là tại  một số nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đón dân di cư tự do…, công tác tiêm chủng chưa được thực hiện đầy đủ với trẻ em theo quy định; môi trường sống của bà con ở nhiều nơi chưa bảo đảm vệ sinh.

Ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã cấp 10.000 liều vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho nhóm đối tượng từ 7 đến dưới 40 tuổi tại khu vực ổ bệnh; tiến hành khử khuẩn đợt 2 tất cả các hộ gia đình, các trường học, trạm y tế; cắm biển báo cách ly, tuyên truyền, vận động người dân hạn chế đi vào vùng bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cắt cử 19 cán bộ y tế đến hỗ trợ 2 huyện Krông Nô và Đắk Glong; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly để tiếp nhận và điều trị người mắc bệnh bạch hầu hoặc nghi ngờ mắc bệnh để chủ động phòng lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất di chứng và tử vong do bệnh bạch hầu.

Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cũng đang xây dựng kế hoạch điều tra đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng tại các địa bàn hiện có các ca bệnh để xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên đến 45 tuổi.

(Theo Hanoimoi)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn