Cậu học trò 'chim cánh cụt' bán vé số đi học đại học

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 15/08/2018 04:44:00 PM - Lượt xem: 54 lượt xem.

Sinh ra không được may mắn, đôi bàn tay dị tật, bố bỏ đi lúc mới chào đời, dù bị khiếm khuyết cả về cơ thể lẫn hoàn cảnh gia đình nhưng Nguyễn Văn Tâm (Gia Lai) vẫn nỗ lực để theo đuổi việc học đến cùng.

Vượt lên nghịch cảnh

Gặp Tâm vào một ngày TP.HCM mưa tầm tả, ánh mắt đau đáu nhìn về nơi xa của chàng tân sinh viên “chim cánh cụt” này không phải là em đang lo lắng cho tương lai của mình, mà: “em sợ mẹ ở nhà lo làm quá rồi nhịn ăn”.

Từ nhỏ lớn lên trong vòng tay của người mẹ, ngoài bị khiếm khuyết về đôi tay, Tâm còn mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh.

Cô Nguyễn Thị Hoa (mẹ của Tâm) kể: “Lúc mang thai Tâm, vì bệnh tật nhiều nên phải uống thuốc, rồi di chứng để lại cho Tâm. Sinh Tâm ra, nhìn thấy đôi tay của con mà tôi chỉ biết khóc thét. Lúc đó chỉ nghĩ sao mà con mình bất hạnh thế này, rồi lớn lên con biết phải làm sao. Vì gia cảnh khó khăn quá mà bố Tâm bỏ đi lúc mới sinh Tâm ra, nỗi đau chồng nỗi đau, nhưng vì thương con mà tôi cố gắng vượt qua tất cả để nuôi Tâm nên người. Nhưng rồi phát hiện Tâm bị tim bẩm sinh và phải phẫu thuật, lúc đó Tâm mới học lớp 2. Tâm có thể mạnh khỏe được đến hôm nay là ông trời đã thương mẹ con tôi lắm rồi”.

Cậu học trò 'chim cánh cụt' bán vé số đi học đại học - ảnh 1
Dù cuộc sống phía trước còn nhiều khó khăn nhưng lúc nào Tâm cũng chỉ lo lắng cho mẹ ở quê nhà
HOA NỮ

Vì thương mẹ, Tâm luôn cố gắng mỗi ngày vượt qua bệnh tật và khiếm khuyết đôi tay để học thật giỏi. Trong suốt những năm đi học, chỉ có 1, 2 năm Tâm là học sinh tiến tiến vì lúc đó đúng vào thời gian Tâm điều trị và mổ tim, còn lại các năm Tâm đều học sinh giỏi và hiện nay em đã là tân sinh viên đại học.

Đôi kính cận dày cộm mà Tâm đang đeo là minh chứng cho quá trình nỗ lực cố gắng suốt 12 năm học của em. Bởi với đôi tay ngắn củn, để tập viết được những nét chữ, Tâm đã phải áp luôn mặt xuống bàn để tựa cho đôi tay vững mới cầm bút được.

“Giờ thì em quen rồi, nên không còn áp mặt xuống bàn nữa. Chứ ngày xưa, lúc mới tập viết thì khó khăn vô cùng. Nhưng chuyện gì rồi cũng qua, chỉ cần nỗ lực cố gắng là làm được hết thôi ạ”, Tâm chia sẻ.

Dù thế nào cũng không bỏ cuộc

Tâm học được đến ngày hôm nay, ngoài nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, mỗi ngày hai mẹ con đều vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Hiện nguồn sống chính của hai mẹ con phụ thuộc vào khoản tiền ít ỏi kiếm được từ việc bán giấy cúng. Nhưng mỗi tháng chỉ bán được mấy ngày rằm và mùng 1, những ngày còn lại hai mẹ con đi bán vé số, bán đậu rang dạo.

“Nhưng từ ngày thấy tôi đau bệnh nhiều quá nên Tâm đâu có cho đi bán vé số nữa, những ngày không bán ở chợ thì ở nhà xếp giấy, nhưng bữa nay Tâm đi học đại học, chi phí nhiều nên chắc ai mướn gì thì tôi làm thêm nấy, để kiếm tiền lo cho con”, mẹ Tâm tâm sự.

Vì thấy mẹ vất vả nhiều, nên Tâm vừa thi kỳ thi THPT quốc gia xong là tức tốc đi thi xét học bổng với mong muốn đỡ bớt gánh nặng cho mẹ. Và hiện nay em đang nhập học Trường ĐH FPT TP.HCM với mức học bổng hỗ trợ 70% tiền học phí.

Dù đầu tháng 9 mới bắt đầu việc học, nhưng Tâm rời Gia Lai vào TP.HCM sớm để kiếm việc làm thêm. “Em dự định sẽ đi bán vé số lại, để kiếm tiền. Mẹ ở nhà vất vả, mà lại đau ốm thường xuyên nên nếu có thể phụ được cho phần nào thì đỡ cho mẹ phần đấy?”

“Bán vé số vất vả lắm đấy, rồi có ảnh hưởng đến việc học của em không?”, tôi hỏi, Tâm cũng thẳng thắn: “Chứ giờ tay chân em thế này thì đâu có việc gì có thể làm được đâu ạ. Em sẽ cố gắng bán vé số để kiếm tiền lo các khoản sinh hoạt, hơn nữa em sẽ tiết kiệm mua đỡ chiếc máy tính cũ để dùng, tại vì em học ngành kỹ thuật phần mềm, nếu không có máy thì em cũng không biết phải thế nào”.

Dù cuộc sống có như thế nào, nhưng Tâm rất lạc quan và nghị lực, trước những câu trả lời Tâm luôn bắt đầu bằng nụ cười. Bởi với Tâm: “Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, có người giàu, người nghèo rồi có người lành lặn, người lại không. Chính vì thế, phải học cách chấp nhận sự thật để rồi vượt lên nghịch cảnh. Dù có than vãn, hay buồn đau thì cũng không thay đổi được số phận”.

Nhưng Tâm chỉ tắt nụ cười, mỗi khi nhớ đến mẹ. “Em lo lắm, mẹ đau bệnh nhưng ngày nào cũng làm quần quật từ sáng sớm đến tận đêm khuya, rồi quên ăn luôn. Ngày xưa còn ở nhà thì em nhắc mẹ ăn, còn giờ có một mình mẹ, không biết sẽ thế nào”.

(Theo báo Thanh niên)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn