Cách xử lý khi gặp người bị “ngáo đá”

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 15/03/2019 09:21:00 AM - Lượt xem: 100 lượt xem.

Ma túy đá là một loại ma túy tổng hợp rất nguy hiểm có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương và gây ảo giác cho người sử dụng. Ngoài những nguy hiểm đối với bản thân nạn nhân, ma túy đá còn gây nguy hại lớn cho xã hội. Vậy khi gặp người bị "ngáo đá" phải xử lý như thế nào?

Nhận biết người nghiện ma túy đá:

Đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục.

Đi vệ sinh, rửa tay liên tục.

Liên tục uống nước.

Mồ hôi có mùi khai.

Quầng thâm mắt rất rõ.

Da nhăn nheo, nhiều mụn trứng cá, lở loét trên cơ thể.

Men răng mỏng, miệng hôi, hơi thở có mùi nặng.

Hay bị chảy máu cam.

Dấu hiệu người bị “ngáo đá”:

Biểu hiện sự hoang tưởng, trong đó đặc biệt là những hoang tưởng thấy mình bị hại, bị giết…

Thân nhiệt tăng cao (sốt 40 – 41 độ C).

Có những hành vi bất thường, mất kiểm soát như: Nói lảm nhảm, la hét, đập phá, leo trèo, hung hãn,…

Cách xử lý chung khi gặp người bị “ngáo đá”

Gọi điện thoại ngay cho cơ quan chức năng.

Tránh xa đối tượng càng xa càng tốt.

Khóa cửa nếu đối tượng ở trong nhà và cần đề phòng đối tượng có những hành vi nguy hiểm vì lúc này họ không thể nhận thức được ai kể cả người thân của mình.

Cất giấu những đồ vật, dụng cụ có thể gây nguy hiểm ra xa đối tượng này vì rất có thể họ sẽ sẽ sử dụng những đồ vật làm hung khí tấn công người xung quanh.

Hạn chế những tác động làm kích động tinh thần người ngáo đá và không tụ tập đông người xung quanh để xem.

Cách xử lý một số trường hợp hay xảy ra:

Đối tượng “ngáo đá” là người thân trong gia đình

Đầu tiên, người thân cần phải thật bình tĩnh để trợ giúp, trấn an bệnh nhân. Lúc này, bệnh nhân đang trong cơn hoang tưởng, vì vậy người thân cần phải cuốn theo dòng hoang tưởng của họ.

Sau đó, hãy cho bệnh nhân uống nhiều nước để làm giảm tác dụng gây ảo giác của ma túy đá, đồng thời lấy đá lạnh chườm lên khắp người nạn nhân và chườm lên trán họ để giúp họ hạ thân nhiệt.

Sau khoảng 1 tiếng, thân nhiệt bệnh nhân lúc này đã hạ xuống và họ sẽ khát nước, thèm ăn, cường độ hoang tưởng giảm dần và họ sẽ thấy buồn ngủ.

Lúc này, bệnh nhân đã thoát khỏi cơn ngáo đá, gia đình hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến trung tâm cai nghiện để giúp họ phục hồi và lấy lại tinh thần.

Đối tượng “ngáo đá” khống chế người khác

Bạn không nên chống trả mà cần phải làm theo yêu cầu của đối tượng khi bị đối tượng “ngáo đá” bất ngờ khống chế, không kịp chạy thoát. Bạn cần phải trấn tĩnh, tuyệt đối không được la hét, gào khóc bởi vì điều này sẽ chỉ càng làm cho đối tượng bị kích động dễ có hành vi gây thương tích cho bạn.

Tuyệt đối không nên cầu xin đối tượng tha cho mình, mà cần hỏi han về đối tượng, để đối tượng tâm sự, làm cho đối tượng bình tĩnh trở lại, sau đó chờ cơ hội chạy thoát hoặc chờ lực lượng chức năng ứng cứu.

Trường hợp "ngáo đá" đi bộ

Nếu bạn gặp phải người ngáo đá thì hãy tránh sang đường khác và cách xa đối tượng. Nếu có trẻ em đi cùng thì hãy lo an toàn cho trẻ em trước, tìm cách chạy khỏi phạm vi đối tượng đang đứng. Tuyệt đối tránh hiếu kỳ đứng xem hành vi của đối tượng hoặc mạo hiểm đến gần đối tượng.

(Theo TẠ QUANG/laodong)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn