Bé trai 6 tháng tuổi hôn mê phải thở máy vì dùng thuốc cam 24 ngày

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 17/07/2017 05:57:00 PM - Lượt xem: 42 lượt xem.

Thấy con bị viêm da cơ địa tái đi tái lại, quá sốt ruột bố mẹ đã cho con uống thuốc cam đông y với hi vọng chữa dứt bệnh viêm da. Tuy nhiên, viêm da chưa kịp khỏi, em bé lâm vào tình trạng suy hô hấp, co giật phải nhập viện điều trị.

Bệnh nhi Bùi Anh D. (6 tháng tuổi, ở Thái Thụy, Thái Bình) được chuyển đến khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) hôm 21/6 trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, suy hô hấp phải thở máy, kèm theo triệu chứng co giật, có tổn thương não.

Trước đó, em vốn có tiền sử viêm da cơ địa, điều trị thuốc uống, thuốc bôi tây y vẫn tái đi tái lại. Vì quá sốt ruột nên gia đình đã cho bé uống thuốc cam. Sau 24 ngày uống thuốc cam, bé xuất hiện tình trạng nôn nhiều, da xanh, co giật toàn thân gia đình vội đưa bé đi viện. Có những cơn giật của bé kéo dài khoảng 5 phút, 5-6 cơn trong 2 ngày.

BS Kim Anh, Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã nghĩ đến bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc.

Bệnh nhi nhanh chóng được điều trị tích cực, thở máy, dùng kháng sinh liều cao… và lấy máu xét nghiệm chì.

Đúng như nhận định ban đầu, kết quả xét nghiệm chì trong máu lên đến 105 microgam/100 ml (cao gấp nhiều lần mức cho phép). Bệnh nhi nhanh chóng được hội chẩn liên khoa Nhi - Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai để điều trị thải độc trì.

Sau 2 tuần điều trị thải độc, bệnh nhi thoát thở máy, tình trạng viêm da cơ địa đã ổn định, xét nghiệm máu cho thấy nồng độ chì đã giảm.

“Tuy nhiên những di chứng mà ngộ độc chì để lại là rất khó nói do bệnh nhi quá nhỏ và việc thải độc chì sẽ vẫn phải tiếp tục sau khi bệnh nhi được xuất viện”, BS. Kim Anh cho biết.

BS Hiếu đang khám cho bệnh nhi ngộ độc chì. Ngộ độc chì ở trẻ em có thể để lại những di chứng nặng nề về thể chất, trí tuệ. Ảnh: M.T
BS Hiếu đang khám cho bệnh nhi ngộ độc chì. Ngộ độc chì ở trẻ em có thể để lại những di chứng nặng nề về thể chất, trí tuệ. Ảnh: M.T

Một trường hợp khác, bé Đỗ Thị Thu H. (7 tháng tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) cũng đang được điều trị thải độc chì tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) vì thuốc cam.

Hai tháng trước, bệnh nhi có tình trạng nang tuyến lệ, được gia đình mua thuốc cam điều trị. Sau đó bệnh nhi xuất hiện thêm tình trạng loét miệng, người nhà lại tiếp tục mua một loại thuốc cam khác có dạng bột màu đỏ và dạng viên màu nâu của bà lang ở chợ (không có nhãn mác) về cho con uống, bôi. Sau vài ngày dùng thuốc cam, bệnh nhi xuất hiện nôn nhiều, đi phân đen.

BS Nguyễn Hữu Hiếu, khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết bệnh nhi hiện đang được điều trị tổn thương đường tiêu hóa, phổi và gan, với tình trạng men gan rất cao và đang tiếp tục được thải độc chì.

Ths. BS Nguyễn Thành Nam - Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chì có thể được trộn vào thuốc cam, thuốc nam không rõ nguồn gốc. Vì thế người dân không tự ý uống thuốc không rõ nguồn gốc để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc nguy hiểm. Nếu có những biểu hiện bất thường như sụt cân, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, co giật.... nên đưa bệnh nhân đi khám để được các bác sĩ xác định và điều trị kịp thời.

Ngộ độc chì mãn tính biểu hiện không điển hình như: Trẻ chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học được, học kém…; Trẻ cũng bị ảnh hưởng về tiêu hóa với biểu hiện nôn, đau bụng, chán ăn; thiếu máu, cơ thể gầy yếu…cũng nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán điều trị.

Trước thực trạng tái diễn nhiều trẻ bị ngộ độc chì do thuốc cam, để lại những hậu quả lâu dài về thể chất, trí tuệ của trẻ, BV Bạch Mai vừa có công văn báo cáo Bộ Y tế về tình trạng này, đồng thời đề xuất phải quản lý cấm đưa chì vào trong thuốc cam hoặc sử dụng chì làm thuốc chữa bệnh. Xử lý nghiêm các điểm bán thuốc cam gây ngộ độc được phát hiện.

(Theo Hồng Hải/dantri)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn