50 người tử vong vì sốt xuất huyết, dịch tăng cao

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 12/11/2019 10:36:00 AM - Lượt xem: 46 lượt xem.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 250.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó đã có 50 người tử vong.

Một gia đình 5 người mắc sốt xuất huyết

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng cao từ thời điểm tháng 10. Mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận 10-20 ca nặng phải nhập viện, 30-50 ca một ngày đến khám điều trị ngoại trú.

Nhiều trường hợp phải nhập viện vì có biểu hiện nặng như xuất huyết nội tạng, sốc… Đây thường là các bệnh nhân có các bệnh nền phối hợp hoặc cơ địa đặc biệt như người già, phụ nữ có thai. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào tử vong.

50 người tử vong vì sốt xuất huyết, dịch tăng cao - 1

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cũng có khoảng 30 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện. Thậm chí, có gia đình cả 5 người cùng mắc sốt xuất huyết.

Bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết năm 2019, tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và gia tăng tại nhiều quốc gia. Trong đó tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đều ghi nhận số mắc, tử vong gia tăng.

Ví dụ tại Philippines ghi nhận khoảng 350.000 ca mắc, tử vong lên đến gần 1.300 người, Malaysia là 102.734 trường hợp mắc, 149 ca tử vong, số mắc tăng 1,8 lần, tử vong tăng 51 trường hợp so với cùng kỳ 2018. Một số nước như Singapore, Trung Quốc... cũng ghi nhận số mắc hàng tuần liên tục tăng cao so với cùng kỳ của hai năm trước đó.

Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á khu vực chịu ảnh hưởng lớn từ sốt xuất huyết trong năm 2019. Bệnh lưu hành ở cả 63 tỉnh thành trên cả nước. So với cùng kỳ năm 2018, số mắc tăng gần 3 lần, với 250.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 50 người tử vong rải rác tại 18 tỉnh, thành.

50 người tử vong vì sốt xuất huyết, dịch tăng cao - 2

Cảnh báo tiếp tục gia tăng

Theo bác sĩ Hùng, do đang ở trong cao điểm mùa dịch nên số mắc sốt xuất huyết tăng cao liên tục từ tuần 19, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2018 và ở ngưỡng cảnh báo. Số mắc trong các tuần gần gây đã chững lại nhưng vẫn ở mức cao. Xu hướng giảm chưa rõ rệt do đặc điểm dịch tễ hàng năm mùa dịch cao điểm từ tháng 9 đến tháng 11.

Hiện chưa có sự biến đổi về các chủng virus lưu hành gây bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam so với các năm trước.

“Hiện các tỉnh miền Bắc đang chuyển mùa, sắp sang thời tiết lạnh nên dịch sốt xuất huyết sẽ xuống nhanh. Song các tỉnh phía Nam, khu vực Tây Nguyên lại là mua khô, nóng ẩm nên dự báo số mắc có thể tiếp tục tăng cao”, bác sĩ Hùng nói.

Vì thế, để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn. Đồng thời cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Bên cạnh đó, người dân cần phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Phụ nữ mang thai những tháng đầu bị sốt xuất huyết có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, tình trạng tiểu cầu hạ có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng nặng như: chảy máu khó cầm, rau bong non, tiền sản giật… dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi. Vì thế, bà bầu nên mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn tuyệt đối, thoa kem để tránh muỗi đốt, dùng hương muỗi, bình xịt muỗi… để đuổi và diệt muỗi. 

Dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết dễ nhận biết gồm sốt cao liên tục 2-7 ngày, từ ngày thứ ba bắt đầu xuất huyết, có thể là chấm xuất huyết, chảy máu chân răng, nặng thì xuất huyết tiêu hóa, tạng, suy đa tạng, sốc, rối loạn đông máu… Trong đó có khoảng 4% ca nặng, còn lại đa phần bệnh nhẹ, sau 7 ngày sẽ khỏi.

Bệnh diễn biến nặng hay nhẹ là do đáp ứng miễn dịch của cơ thể mỗi người với mầm bệnh. Những dấu hiệu bệnh nặng nên cần đến viện ngay là sốt cao li bì từ 39 độ trở lên, nhức đầu dữ dội, nôn liên tục, đau tức vùng gan, thậm chí tiêu chảy…

(Theo Nam Phương/dantri)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn